Từ ngày 01/12/2024, xã An Phú được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất giữa xã An Lâm và Phú Điền. Vùng đất An Lâm và Phú Điều xưa đều là những vùng đất địa linh nhân kiệt của huyện Nam Sách nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung. Qua các di chỉ khảo cổ các nhà khoa học đã xác nhận nơi đây là một trong những cái nôi của văn hóa lúa nước và văn minh sông Hồng. Nơi đây vẫn còn lại đặc trưng của miền quê đồng bằng Bắc bộ với các đặc trưng như: cây đa, giếng nước, sân đình mà hiện vẫn được giữ lại tại tất cả các làng trong xã. Qua nghiên cứu tên làng, xóm, tên xã thì mỗi tên làng, xã trước đây đều gắn với một sự tích, một câu chuyện về lịch sử, mảnh đất và con người.
1. Về lịch sử

Nguồn gốc, ý nghĩa tên của các làng thuộc xã Phú Điền xưa (theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Phú Điền xuất bản năm 1990):
- Thôn Lâm Xá (Lâm là rừng, Xá là nhà): nơi đây xưa kia là rừng rú sau đó con người đến khai hoang, làm nhà để ở, sau này thôn còn có tên gọi là Tư Chí (thôn Cầu Cháy) gắn với sự tích cây cầu bị cháy.
- Thôn Lâm Xuyên (Lâm là rừng, Xuyên là sông): nơi đây xưa kia là một khu rừng ven sông. Thôn còn có tên gọi khác là Hữ Mao, Phì Mao (đất đai phì nhiêu màu mỡ), thôn này có một loại cây mọc rất thơm, sạch chấy nên người dân lấy để đun nước gội đầu, cây này có tên là cây Quao và tên làng Quao cũng được bắt nguồn từ đó. Làng Quao xưa còn nổi tiếng khắp vùng với nghề làm và buôn bán nồi, niêu đất.
- Thôn Kim Bảng hay còn gọi là Dương Bảng (làng Báng): nơi đây có nhiều bãi lầy, cây Dương Bảng (tiếng Hán) hay còn có tên gọi khác là cây Báng mọc um tùm. Kim Bảng là một tên mới đặt sau khi Pháp củng cố bộ máy thống trị. Kim là vàng, Kim Bảng là bảng vàng, ý muốn con cháu đỗ đạt, quyền quý. Nơi đây tháng 8/1949 còn phải chứng kiến trận càn quét lịch sử của địch, chúng đã bắt, tra tấn rất dã man 18 người (trong đó có 13 đồng chí đảng viên), đồng chí Lê Văn Nhân lúc này là Chủ tịch UB kháng chiến hành chính của xã Phú Điền đã bị chúng hành quyết, tra tấn và bắn chết (năm 2018 đồng chí đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).
Kim Bảng cũng là làng văn hóa đầu tiên của huyện Nam Sách và thứ 3 của tỉnh Hải Dương (làng được công nhận danh hiệu năm 1996 theo Quyết định số 3176/QĐ ngày 24/12/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương), làng đã 2 lần vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm, làng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao đông hạng III, là thôn được xã chọn xây dựng mô hình thôn thông minh trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.
- Thôn Phú Xuyên còn gọi là Trại Bái (Trại là một từ chỉ điểm dân cư, Bái có nghĩa là cúng lễ): nơi đây thường xuyên có tàu bè qua lại, khi qua đây họ thường lên miếu để làm lễ nên đặt tên thôn là Trại Bái, sau này đổi tên là Phú Xuyên, thôn gần con sông và có cuộc sống giàu có.
- Thôn Kim Khê còn gọi là làng Thượng (Thượng nghĩa là trên), xã Xác Khê có 3 thôn, thôn Thượng là thôn ở phía trên. Kim Khê là tên mới được đặt từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị chúng chấn chỉnh lại tổng xã. Kim theo từ Hán có nghĩa là vàng, Khê nghĩa là khe, Kim Khê là khe vàng, giầu có. Từ Khê còn có ý nghĩa lịch sử về trước đây thời kỳ Pháp chưa đô hộ nước ta, thôn Kim Khê thuộc xã Xác Khê nên khi đặt tên mới người ta muốn giữ lại từ cuối để nhớ về cội nguồn, lịch sử.
- Thôn Phong Trạch còn gọi là làng Chằm (Phong là giầu có, phong phú, Trạch theo từ Hán nghĩa là Chằm). Phong Trạch ý nói nơi đây đất đai phì nhiêu, màu mỡ, giàu có, làng Chằm gọi theo nghĩa của từ Trạch.
- Thôn Lý Văn còn gọi là thôn Lý Trung hay Chợ Quán (Lý là làng, Văn là văn chương) Lý Văn nghĩa là làng văn chương. Còn Lý Trung trước thời kỳ Pháp chưa đô hộ thì Lý Văn, Kim Khê, Phong Trạch là 3 thôn thuộc xã Xác Khê, Kim Khê ở phía trên gọi là thôn Thượng, Lý Văn ở giữa gọi là Lý Trung (thôn ở giữa, trung tâm của xã). Dưới thời Nam Triều thôn có cụ Nguyễn Huy Trinh làm quan Thượng Tá huyện Chí Linh, Kinh Môn, Đông Triều, Nam Sách cụ mở một cái chợ ở phía đông làng, chợ họp theo phiên, người mua kẻ bán đông vui, tấp lập. Khu chợ có nhiều cây cổ thụ to và những dãy hàng, quán thẳng hàng do đó Lý Văn còn có tên gọi khác là Chợ Quán.
Thôn Phú Xuyên thuộc tổng An Điền, thôn Kim Khê, Phong Trạch, Lý Văn thuộc tổng An Phú. Tất cả đều thuộc Phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Cách mạng tháng 8 thành công, 7 thôn này hợp lại thành một xã và lấy hai từ dưới của hai tổng để đặt tên xã, lấy tên là xã Phú Điền, còn thôn Cúc Trì cắt về xã Hiệp Hòa nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương.
Nguồn gốc, ý nghĩa tên của các làng thuộc xã An Lâm xưa (theo lịch sử Đảng bộ và nhân dân An Lâm xuất bản năm 2024):
- Đời nhà Trần, địa bàn xã An Lâm thuộc đất Bàng Châu; thời nhà Minh thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, phủ Lạng Giang, sau đổi thuộc phủ Tân An.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa bàn An Lâm thuộc tổng An Lương, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tổng An Lương gồm 9 xã: An Lương (đầu tổng), Bạch Đa, Nhân Lý (còn gọi làng Si, thuộc khu Nhân Lý, thị trấn Nam Sách ngày nay), Đồng Khê (Đồng Sớm), Lang Khê (có 3 thôn: Giào tức Lang Khê, Cẩm Lý, Hoàng Giáp (Vàng)), Nghĩa Lư, Đông Lư, Nghĩa Khê (làng Xưa, làng Đoàn), Nghĩa Dương (Bến). Trong 9 xã có tên tự, lại kèm tên nôm, có xã gọi tắt như: Cẩm Lý (Lý), Bạch Đa (thời vua Tự Đức nhà Nguyễn là Bạc Đa - Ngân khố gia vương: Kho bạc nhà vua); An Lương (Mễ khố gia vương: Kho gạo nhà vua). Mỗi tên làng, tên xã đều có một sự tích lịch sử và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cấp phủ bãi bỏ, huyện Thanh Lâm do phủ Nam Sách kiêm lý đổi thành huyện Nam Sách. Tổng An Lương gồm các xã: An Nghĩa, An Lương, Bạch Đa, Lang Khê, Đồng Khê, Nhân Lý; trong đó xã An Nghĩa thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Nghĩa Lư, Nghĩa Khê, Đông Lư, Nghĩa Dương; xã Lạng Khê thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn Cẩm Lý, Lang Khê, Hoàng Giáp.
Sau khi bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, tháng 4/1946, xã An Lâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã An Nghĩa, An Lương, Bạch Đa, Lang Khê, Đồng Khê cộng thôn Nhân Lý và Đào Thôn (thuộc xã Nhân Lý cũ) thuộc huyện Nam Sách, một phần xã Nhân Lý chuyển về tổng Thanh Lâm (nay là Thị trấn Nam Sách).

Trung tâm xã An Lâm (xưa), An Phú (nay) nhìn từ trên cao
Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nhân dân hai xã Phú Điền và An Lâm đã hiến sức người, sức của, góp công vào chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của cả nước. Đã có rất nhiều người đã phải nằm lại nơi các chiến trường trong các cuộc chinh chiến của cả dân tộc. Xã An Phú hiện có 324 liệt sỹ, 117 thương, bệnh binh, 02 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (anh hùng liệt sỹ Đỗ Chu Bỉ và anh hùng liệt sỹ Lê Văn Nhân), 38 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau chiến tranh, đất nước đã yên bình, với tinh thần xây dựng lại cuộc sống, nhân dân hai xã lại bắt tay vào tham gia sản xuất, làm kinh tế không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho quê hương, đất nước.

Trung tâm xã Phú Điền (cũ) nhìn từ trên cao
2. Về văn hóa
Trước sáp nhập, An Lâm là xã đầu tiên của huyện được tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 (năm 2014). Đến năm 2021, xã An Lâm được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt Nông thôn mới nâng cao, năm 2022 được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu về Văn hóa. Phú Điền về đích Nông thôn mới năm 2016 (sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra), năm 2020 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt Nông thôn mới nâng cao. Năm 2023 được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu về Văn hóa.

Cầu vào làng văn hoá Kim Bảng, xã An Phú
Sau sáp nhập, xã có 11 thôn, các thôn đều giữ vững và phát huy tốt danh hiệu làng văn hoá, trong đó làng văn hóa Kim Bảng được công nhận danh hiệu từ năm 1996 và giữ vững đến nay được 28 năm, đây cũng là làng văn hóa đầu tiên của huyện Nam Sách, làng văn hóa thứ 3 của tỉnh Hải Dương (làng đã 2 lần vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III), năm 2001 thôn Cẩm Lý là thôn đầu tiên của An Lâm được công nhận danh hiệu làng văn hóa, đến năm 2008 các thôn của An Lâm và Phú Điền đều được công nhận Làng văn hóa, năm 2010 xã có 01 làng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề về sản xuất bún bánh (làng Lang Khê). Đến nay toàn xã An Phú có trên 97% số gia đình trong xã đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao của xã đảm bảo mọi người dân trong xã đều được sử dụng thuận lợi, Quy mô xây dựng, trang thiết bị và kinh phí hoạt động theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà văn hóa, sân thể thao của các thôn trong xã đều được tu bổ, tôn tạo, xây mới đảm bảo về diện tích, chỗ ngồi. NVH có đủ các thiết chế, nội quy, các trang thiết bị liên quan để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cộng đồng trong khu dân cư. Khuôn viên NVH được xây dựng sân khấu, cổng, tường bao xung quanh, sân được bê tông hóa và lắp đặt hệ thống đèn cao áp chiếu sáng, dụng cụ thể thao ngoài trời… Hiện toàn xã đã lắp đặt được hơn 100 bộ dụng cụ thể thao ngoài trời ở những điểm công cộng để phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao của nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 35% trên tổng số dân và tham gia sáng tạo, hưởng thụ các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương là 38% dân số tại địa phương.
Trên địa bàn phong trào Văn hoá, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát triển rộng khắp từ xã đến các thôn, ngoài tham gia các hoạt động VHVN TDTT do cấp trên tổ chức, hàng năm địa phương thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ dân vũ, thể thao, bóng chuyền hơi và một số trò chơi dân gian dịp đầu xuân năm mới, Lễ hội chùa, hội làng…
3. Về Y tế - giáo dục
An Lâm và Phú Điền xưa đều là những mảnh đất “nghìn năm văn hiến", có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước.
Trong giai đoạn cả Nước chống Mỹ cứu nước, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, song phong trào giáo dục của An Lâm vẫn luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh, Trường phổ thông cấp I An Lâm - Lá cờ đầu của toàn Ngành giáo dục của tỉnh Hải Dương (1962). Đơn vị được công nhận Tổ Đội lao động xã hội chủ nghĩa 12 năm liền (1962 - 1975). Được Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương lao động (02 hạng ba, 01 hạng hai).
Hiện trên địa bàn xã An Phú có 05 trường học, gồm 02 trường mầm non, 01 trường Tiểu học, 1 trường THCS, 01 trường Tiểu học và THCS. Trong những năm qua, địa phương đã quan tâm đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, xây dựng mới và cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống phòng học cho các nhà trường bảo đảm đủ các phòng học kiên cố cao tầng đáp ứng yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia.
- Trường Mầm non An Lâm được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I (Theo quyết định số 2716/QĐ-UBND, ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh Hải Dương).
- Trường Tiểu học An Lâm được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II (Theo quyết định số 3457/QĐ-UBND, ngày 21/9/2018 của UBND tỉnh Hải Dương).
- Trường THCS An Lâm được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I (Theo quyết định số 1322/QĐ-UBND, ngày 27/4/2018 của UBND tỉnh Hải Dương).
- Trường Mầm non Phú Điền được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào tháng 6/2015 và đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 ngày 19/8/2020.
- Trường Tiểu học Phú Điền được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm 2015. Trường THCS Phú Điền đạt chuẩn Quốc gia năm 2015. Trường Tiểu học và THCS Phú Điền đạt chuẩn Quốc gia mức độ I ngày 08/10/2021.
Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trạm y tế xã làm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, triển khai và lập sổ điện tử quản lý sức khỏe cho nhân dân, thực hiện khám chữa bệnh từ xa cho nhân dân. Mặt khác để tăng tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm y tế, đảng bộ và chính quyền xã đã chỉ đạo các ngành đoàn thể, các thôn tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu được quyền lợi của người mau và tham gia bảo hiểm y tê, nhất là chủ trương hỗ trợ của nhà nước đổi với việc tham gia mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình. Từ sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà số người tham gia bảo hiểm y tế của xã Phú Điền và An Lâm trong những năm qua liên tục tăng lên, kết quả tiêu chí y tế đạt được cụ thể như sau: Toàn xã có 97,2% số người dân tham gia bảo hiểm y tế, 93% dân số được quản lý sức khỏe, 42% người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, 46% dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử.