Sau sáp nhập, trên địa bàn xã An Phú hiện có 16 cơ sở tôn giáo, các chùa đều có phật tử trụ trì (trong đó 04 chùa có nhà sư trụ trì), 13 cơ sở tín ngưỡng (09 ngôi đình, 04 đền) và có 02 di tích được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh; 100% số di tích trên địa bàn xã đã được kiểm kê, bảo vệ tốt. Hằng năm các di sản văn hóa được rà soát, kiểm kê cổ vật và được BQL, nhân dân trong xã tu bổ, tôn tạo.
1. Di tích lịch sử Đình Nghĩa Khê và mộ Lý Công Quang (thôn Đông Nghĩa)
Đình Nghĩa Khê và mộ Lý Công Quang được xây dựng tại khu vực cao và thoáng mát ở trung tâm của thôn, phía đông giáp đất của chùa Nghĩa khê, phía tây giáp đường giao thông liên thôn, phía nam giáp chùa Nghĩa Khê, phía bắc giáp NVH thôn. Nơi đây được coi là trung tâm văn hóa của thôn, nơi tập trung nhiều thiết chế văn hóa giáo dục truyền thống cho cộng đồng nhân dân trong thôn tạo nên không gian linh thiêng, uy linh cho di tích. Di tích nằm sát đường giao thông nên thuận tiện cho việc đi lại và tổ chức lễ hội để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Mộ Lý Công Quang trước năm 2023
Căn cứ vào bia ghi thần tích còn lưu giữ tại mộ thành hoàng và nhiều nguồn tư liệu thì đình Nghĩa Khê tôn thờ 2 vị thành hoàng: thành hoàng Lý Công Quang là người ó công giúp vua Lý (1010-1225) đánh giặc Ma Na (theo truyền ngôn là giặc Chiêm Thành) và vị thiên thần Tràng Đôi (thời Tiền Lê) có công “âm phù" nhà Lê (vua Lê Đại Hành) năm Thiên Phúc (980 – 988) đánh giặc Tống và “âm phù" nhà Lý (Lý Nhân Tông húy là Càn Đức) niên hiệu Long Phù (1101 - 1109) đánh giặc Ma Na. Đây là 2 vị thành hoàng làng có công đánh giặc và “âm phù" các vua nhà Lý, nhà Lê đánh giặc được ban thưởng và lập đình thờ tự.

Lễ cắt băng khánh thành mộ Lý Công Quang năm 2023
Đình được khởi lập từ bao giờ, đến thời điểm hiện tại chưa khảo cứu được và chưa có tài liệu nào ghi chép lại. Căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế của người lập hồ sơ tại di tích và được lưu truyền trong nhân dân, Năm 1968 đình bị phá dỡ hoàn toàn (hiện còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc hoa văn của ngôi đình cổ trước khi bị hư hại). Di tích nằm cạnh đường liên thôn, từ khi khởi dựng cho đến nay, di tích vẫn tọa lạc tại vị trí cũ, nhưng trải qua những dặm dài lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên, các công trình kiến trúc cũ của di tích đã bị hư hại. Năm 2010 nhân dân địa phương công đức dựng lại trên nền của công trình ngày xưa với quy mô nhỏ, đơn giản. Khu di tích đình Nghĩa Khê hiện nay gồm có các hạng mục công trình sau: đình, không có nghi môn và các công trình phụ trợ. Hiện đình có kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Mái lợp ngói mũi, các chân cột được đặt trên các chân tảng bằng đá. Hệ thống khung chịu lực gồm có cột cái, cột quân, cột hiện, các cột được liên kết với nhau băng những xà hạ, xà thượng. Trên bức cốn của xà nách tại gian trung tâm chạm khắc đề tài lá hóa long,... các bẩy hiên chạm bong kênh theo đề tài tùng,cúc, trúc, mai một cách tinh xảo.
Ngoài công trình chính là đình và mộ Thành hoàng còn có có các công trình liên quan khác như: Nghè (nơi Thành hoàng ở trước và sau khi đánh giặc hiện nay đang là ruộng canh tác); đống Điếm (nơi quân lính canh gác cho nơi ở của Thành hoàng). Mộ nằm cách di tích khoảng 200 mét về phía Đông - Bắc. Nghè nằm cách đình khoảng 100 mét về phía Tây -Bắc. Đống Điếm cách đình khoảng 300 mét về phía Tây – Nam.
![]()

Di tích lịch sử Đình Nghĩa Khê
Đình, hiện không có nghi môn, trong khoảng sân trước đình có có đặt một lư hương để phục vụ cho việc dâng hương của nhân dân và du khách về chiêm bái. Tiếp đến là đến toà đại bái 5 gian, được xây kiểu thu hồi bít đốc, chiều dài 10,8 mét, rộng 5,3 mét. Móng và hệ tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống, bờ nóc đắp nổi mặt hổ phù, hai đầu bờ nóc đắp nổi lạc long miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt lên hồi đấu, tạo nên sự hài hòa, cân đối và uy linh cho di tích. Hệ thống cột, kèo và các bẩy hiện làm bằng chất liệu bê tông sơn giả gỗ, các đầu bẩy đắp chữ “Thọ" cách điệu. Kết cấu bộ khung chịu lực gian của tòa tiền bái gồm: 4 vì kèo chính kiểu giá chiêng chồng rường, các con rường được đặt lên các đấu vuông thót đáy tạo hình bông hoa sen. Hiện di tích còn lưu giữ được một số cổ vật như: ngai thờ bằng gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX), ngai thờ thời Lê (thế kỷ XVIII), bài vị (thế kỷ XX), bát hương thời Nguyễn…
Đầu năm 2014, Đình Nghĩa Khê và mộ Lý Công Quang (thôn Đông Nghĩa) được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (theo Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 của UBND tỉnh Hải Dương).
2. Di tích lịch sử Đình Kim Khê (thôn Phong Kim)
Di tích lịch sử Đình Kim Khê (thôn Phong Kim)
Đình Kim Khê được xây dựng biệt lập với khu dân cư, mặt tiền quay hướng tây bắc. Phía nam và phía tây giáp với cánh đồng lúa của nhân dân, phía đông giáp đường liên xã, tuyến đường lối từ thôn Kim Khê (xã Phú Điền) với thôn Nghĩa Khê (xã An Lâm), phía bắc trước Đình là hồ bán nguyệt tạo không gian cảnh quan thiên nhiên thoáng mát và thuận lợi cho việc tổ chức rước, các trò chơi dân gian khi làng vào hội.
Đình thờ 3 vị Thành hoàng (vị thứ nhất húy là Trung, vị thứ hai húy là Quang, vị thứ ba húy là Thắng), các ngài là nhân thần có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh giặc phương Bắc vào thế kỷ XV và được tặng phong: "Tấn lại hiển ứng diễm phúc thịnh huân anh duệ thượng đẳng phúc thần đại vương", "Tấn trai hiển đức thịnh liệt đoan trang thượng đẳng phúc thần đại vương", "Tấn độ hiển phúc hoằng trợ thịnh công thượng đẳng phúc thần đại vương".
Bảo tàng tỉnh Hải Dương kiểm kê cổ vật tại Đình Kim Khê (thôn Phong Kim)
Đình Kim Khê được khởi công dựng vào trước năm Vĩnh Khánh thứ 3 (năm 1731), đến thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802-1819), Khải Định thứ 3 (năm 1918) đình được trùng tu, tôn tạo khang trang, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 05 năm gian đại bái và 03 gian hậu cung, chất liệu bằng gỗ Tứ Thiết. Năm 1957, đình bị hạ giải lấy nguyên liệu để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương.... Đến năm 2020, ngôi Đình được xây dựng lại như hiện nay. Đình hiện tại có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 03 gian đại bái xây đao tàu déo góc, 02 gian hậu cung xây từng hồi bít đốc bổ trụ, hệ thống vì kèo kiểu giá chiêng, chất liệu bằng bê tông sơn màu giả gỗ, các mảng họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật, lá hóa long...

Bát hương đá thời Nguyễn (thế kỷ XIX)
Hiện di tích còn lưu giữ được 02 bát hương thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và 04 tấm bia đá niên đại vào các năm: Hoàng triều Vĩnh Khánh 3 (1931), Gia Long (1802-1819), Tự Đức 16 (1863) và Khải Định 3 (1918)...
Đầu năm 2024, Đình Kim Khê (thôn Phong Kim) được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (theo Quyết định số 93/QĐ-UBND ngày 11/01/2024 của UBND tỉnh Hải Dương).
* Cụm di tích thôn Kim Bảng:

Cụm di tích (thôn Kim Bảng)
Cụm di tích lịch sử cách mạng thôn Kim Bảng được xây dựng năm 2019 trên khu vực giếng và Đình làng Kim Bảng xưa. Ngày 10/8/1949, nơi đây thực dân Pháp đã càn quét, bắt giữ và dùng nhục hình cha tấn dã man 18 đồng chí cán bộ, du kích và nhân dân trong thôn trong đó có đồng chí Lê Văn Nhân (nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến đầu tiên của xã Phú Điền). Năm 2018, liệt sỹ Lê Văn Nhân đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để tưởng nhớ các tấm gương đã hi sinh trung liệt, dũng cảm của các AHLS, ngày 17 tháng 7 (âm lịch) hàng năm được nhân dân thôn Kim Bảng lấy làm ngày “Giỗ trận" nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng tới các thế hệ mai sau...